Trang chủ » Tư vấn »Để có một website hiệu quả» Các cách trình bày chân trang khi thiết kế web (P2)

Ngày tạo: 12/03/2017

Các cách trình bày chân trang khi thiết kế web (P2)



Ở phần trước chúng ta đã cùng tham khảo một số cách phổ biến trong việc trình bày phần chân trang khi thiết kế web và nếu chưa tìm được phương án ưng ý, hoặc muốn kết hợp thêm cùng một số phương án khác, bạn có thể tham khảo thêm một vài gợi ý tiếp theo dưới đây.

3. Thêm các nút chia sẻ mạng xã hội

Thông thường khi truy cập vào bất kỳ trang web nào thì đa phần chúng ta đều có thói quen đọc hết tất cả các thông tin quan trọng trong phần đầu trang và thân trang trước, sau đó mới tiếp tục khám phá phần chân trang. Đây là một trình tự rất logic theo diễn biến tâm lý cũng như nhu cầu tiếp nhận thông tin của người dùng. Khi đọc phần đầu và phần thân, có ấn tượng, việc kéo xuống chân trang là nhằm mục đích tìm hiểu thêm các thông tin, hoặc thực hiện share mạng xã hội, đưa thông tin mà mình vừa tiếp cận và cho rằng bổ ích đến với bạn bè, người thân của mình. 

Dựa vào hành vi tâm lý này nên khi thiết kế website, chúng ta nên tận dụng phần chân trang để tích hợp các nút bấm chia sẻ xã hội với các mạng phổ biến như: Facebook, Twitter, Instagram, Pinterest,….

Tác dụng của việc tích hợp các nút bấm chia sẻ mạng xã hội không chỉ là làm thỏa mãn thói quen, nhu cầu của người dùng, mà còn giúp quảng bá thông tin, sản phẩm một cách khách quan với hiệu ứng lan truyền rộng rãi được thực hiện từ chính người dùng. Đây cũng là một yếu tố khá quan trọng và thuận lợi cho công cuộc làm internet marketing. Để kích thích hành động này từ phía người dùng, chúng ta cần cố gắng trong việc mang lại sản phẩm/dịch vụ chất lượng tốt, thông tin hay, thú vị.



4. Thêm phần đăng ký nhận bản tin

Đây cũng là cách làm dựa vào thói quen tâm lý dẫn đến hành vi của người dùng. Cụ thể, sau khi tiếp xúc với một nội dung hay, ý nghĩa, người dùng đồng thời đánh giá cao và tin tưởng vào trang mà mình muốn truy cập, từ đó mong muốn nhận thêm những thông tin tương tự như vậy từ trang đó. Tuy nhiên nhiều người thường không nghĩ đến, hoặc thậm chí không biết đến các chức năng đăng ký nhận bản tin, chính vì vậy nhiệm vụ của chúng ta chính là phải gợi ý, nhắc nhở, thôi thúc khách hàng bằng cách tận dụng chân web để hiển thị phần đăng ký nhận bản tin. Chức năng này nên được thiết kế sao cho đơn giản nhất, tránh sự rườm rà và tốt nhất là chỉ cần tạo một ô nhập địa chỉ email với dòng nhắn: Đăng ký nhận bản tin.

Ngoài tác dụng mang lại là giúp khách hàng không bỏ lỡ những tin tức thú vị, các thông tin về chương trình khuyến mãi… thì nút kêu gọi nhận bản tin cũng chính là công cụ rất hữu ích trong việc lôi kéo khách hàng quay trở lại với website của bạn vào những lần sau, từ đó giúp duy trì một lượng traffic ổn định hoặc thúc đẩy hiệu quả bán hàng.



5. Thêm cơ hội nghề nghiệp hoặc đối tác ở chân trang

Cách làm này cũng rất phổ biến. Truy cập vào website của bạn không chỉ có khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm hoặc đơn giản chỉ là bạn đọc tìm kiếm thông tin, sẽ có thêm các đối tượng mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm từ bạn, hoặc tìm hiểu thêm về uy tín thương hiệu…. với tất cả các đối tượng và mục đích như vậy thì: việc bố trí đường dẫn về trang tuyển dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm được phần nào chi phí trong việc tuyển dụng nhân sự; cho thấy logo các đối tác sẽ tạo thêm niềm tin nơi khách hàng và uy tín cho website.

Đào Thơ