Trang chủ » Tư vấn »Internet Marketing» Những điều cần biết về quảng cáo trực tuyến

Ngày tạo: 22/11/2017

Những điều cần biết về quảng cáo trực tuyến



Quảng cáo trực tuyến là một phần không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh thời đại công nghệ số, khi mà internet đã trở thành “công cụ đa năng” và không thể thiếu đối với đời sống của hàng nghìn người: giải trí, làm việc, nâng cao kiến thức, tìm hiểu sản phẩm/dịch vụ... Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số vấn đề cần biết về phương thức quảng cáo này, nhằm tạo tiền đề cho việc làm quen và khai thác tốt hơn hiệu quả của nó trong quá trình sử dụng về sau.

1. Định nghĩa về quảng cáo trực tuyến


Quảng cáo trực tuyến hay còn gọi là quảng cáo trên mạng, là hình thức quảng cáo được vận dụng để cung cấp thông tin về sản phẩm/dịch vụ nào đó tới khách hàng, thúc đẩy tương tác giữa người mua và người bán. Điểm khác biệt của quảng cáo trực tuyến so với các hình thức khác là, khách hàng có thể click vào quảng cáo để tìm hiểu thông tin (tiếp cận một cách chủ động), đặt mua ngay sản phẩm trên mẫu quảng cáo đó.



2. Những ưu điểm vượt trội của quảng cáo trực tuyến

Sự ra đời của các hình thức quảng cáo trực tuyến đã giúp cho doanh nghiệp lẫn các nhà quảng cáo có thể tiếp cận chính xác nhóm khách hàng của mình, tạo ra những mẫu quảng cáo phù hợp sở thích, tâm lý và thói quen tiếp nhận thông tin của nhóm khách hàng đó. Tất nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng cũng có khả năng này, nhưng quảng cáo trực tuyến – với cơ sở dữ liệu thu thập được trên môi trường internet về người dùng – cho phép tiếp cận chính xác hơn, hiểu rõ khách hàng hơn.

*Khả năng nhắm chọn đa dạng, chính xác

Đối với quảng cáo trực tuyến thì chúng ta có rất nhiều khả năng nhắm chọn: nhắm chọn theo các công ty, theo quốc gia – vùng – lãnh thổ, theo sở thích cá nhân và hành vi người tiêu dùng (dựa trên cơ sở dữ liệu về người dùng).

*Khả năng theo dõi

Sau khi phát hành một mẫu quảng cáo trực tuyến bất kỳ, thông qua site của mình, các nhà tiếp thị trên mạng có thể theo dõi hành vi, mức độ quan tâm của người dùng đối với sản phẩm/dịch vụ mà họ đang cung cấp.

Quảng cáo trực tuyến cũng giúp bạn đánh giá được hiệu quả của một mẫu quảng cáo thông qua số lần nhấp chuột của khách hàng, số người mua sản phẩm, số lần quảng cáo... trong khi đối với các hình thức quảng cáo khác, các tiện ích này là rất khó để thực hiện.

*Tính linh hoạt và khả năng phân phối

Linh hoạt ở chỗ, quảng cáo có thể up lên, gỡ xuống hoặc chỉnh sửa bất cứ lúc nào. Ưu điểm ưu việt và riêng có này giúp cho nhà quảng cáo và các doanh nghiệp theo dõi hiệu quả trong các khoảng thời gian nhất định (1 tuần, 1 tháng...), từ đó nhận thấy những điểm không phù hợp và tiến hành chỉnh sửa hoặc thay thế nếu cần thiết. Trong khi đó, đối với các hình thức quảng cáo khác thì chúng ta chỉ có thể đợi đợt xuất bản mới và cũng mất rất nhiều chi phí, công sức cho việc sửa đổi.

*Tính tương tác

So với các hình thức quảng cáo khác như phát thanh, truyền hình... thì quảng cáo trực tuyến mang lại tương tác cao hơn, hiệu quả hơn. Với một mẫu quảng cáo trực tuyến, khách hàng có thể chủ động để xem đi xem lại tùy ý và bất cứ lúc nào, cho tới khi họ thấy thỏa mãn với những gì mình đã biết. Sau khi thỏa mãn thì có thể tiến hành mua ngay.



3. Cách tính phí quảng cáo

*CPD (Cost per Duration): là cách tính phí dựa trên thời gian đăng banner. Với hình thức quảng cáo này thì bạn sẽ đăng quảng cáo trên banner của các trang web lớn, phải chịu sự chia sẻ, tức là một vị trí banner sẽ được hiển thị luân phiên với khoảng 3 mẫu quảng cáo của 3 doanh nghiệp. Đây là hình thức quảng cáo phù hợp cho những doanh nghiệp có ngân sách lớn vì chi phí khá lớn.

Hình thức CPD khá phổ biến trên hầu hết các website lớn tại Việt Nam do sở hữu ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, hầu như các website không cần báo cáo số liệu cho khách hàng của mình, chỉ dựa vào thời gian, vị trí & kích thước hiển thị để tính giá trị hợp đồng.

*CPM (Cost per Impression): là hình thức tính tiền dựa trên mỗi 1k lượt view. Quảng cáo của bạn sẽ được hiển thị trên banner dưới dạng file gif, flash, video. Ví dụ minh họa: bạn mua 7000 CPM, giá mỗi CPM tối thiểu là 7.000 VNĐ như vậy, giá trị hợp đồng là: =7.000 x7 .000=49.000.000 VNĐ. Khi banner của bạn đủ 7 triệu lượt view thì hợp đồng sẽ hết hạn. Với cách này thì mỗi một người sẽ chỉ được view quảng cáo của bạn tối đa 20 lần, vì vậy, con số 7 triệu lượt view tất nhiên sẽ không thể hiện cho 7 triệu người xem.

Tương tự như CDP, hình thức này cũng chỉ phù hợp cho những doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu và có nguồn kinh phí lớn. Việc tính toán số liệu của hình thức CPM phức tạp hơn. Ưu điểm của nó là cho phép bạn mua theo hình thức chạy mỗi ngày bao nhiêu tiền, hoặc là hạn chế số lần nhìn thấy của 1 người cho banner của mình.

*CPC (Cost per Click) hay PPC (Pay per Click): chúng ta sẽ chỉ phải thanh toán cho mỗi cú click vào quảng cáo của mình. Giá mỗi click thường từ vài nghìn cho đến vài chục nghìn tuỳ nhà cung cấp & tuỳ từng website. CPC cho phép đăng quảng cáo dưới dạng định dạng hỗn hợp (gồm: jpg, text (logo, sản phẩm + mô tả về sản phẩm). 

CPC thích hợp sử dụng cho các nhà bán lẻ, bán hàng trực tuyến. Nhược điểm của CPC là vị trí không đẹp, kích thước mẫu quảng cáo nhỏ, hay gặp phải các vấn đề spam click và quy trình thanh toán cũng khá phức tạp.

*CPA (Cost Per Action hoặc Cost Per Acquisition) hay PPP (Pay Per Performance): với hình thức này thì chúng ta sẽ thanh toán tiền ch bên đăng quảng cáo dựa trên số lần khách hàng tạo ra các hành động như đăng ký tài khoản, mua hàng. Ưu điểm của nó là có thể giúp bạn đo đếm được hiệu quả quảng cáo khá chuẩn xác. Với ưu điểm này thì CPA đang được dự đoán là sẽ trở thành xu hướng thịnh hành trong tương lai.

*CPI (Cost Per Install): đây là hình thức thường dùng cho các nhà cung cấp app di động, game di động. Chi phí được tính dựa trên số lần cài đặt ứng dụng.

Đào Thơ