Trang chủ » Tư vấn »Thời trang» Đồng phục đẹp

Ngày tạo: 15/03/2017

Đồng phục đẹp



Phương pháp in là một trong những yếu tố quyết định đến độ thẩm mỹ, độ bền của một mẫu đồng phục. Vậy, để có mẫu đồng phục đẹp, hợp lý nhất thì nên chọn phương pháp in nào?

Hiện trong lĩnh vực in áo, có rất nhiều kỹ thuật khác nhau đang được ứng dụng, khiến bạn phân vân không biết nên chọn phương pháp nào là tốt nhất. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân tích ưu nhược điểm của các kỹ thuật in áo thun phổ biến nhất để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

1. In lụa

In lụa hay còn được gọi với cái tên khác là in lưới. Phương pháp này đã có từ rất lâu đời và dường như là sớm nhất so với các kỹ thuật in còn lại, chính vì vậy nên người trong nghề còn hay nhắc đến nó như một phương pháp truyền thống. 

Kỹ thuật in này bao gồm 4 công đoạn chính là: làm khuôn in; chế tạo bản in, dao gạt; pha chế chất tạo màu, hồ in và thực hiện in.

Đối với phương pháp này, mỗi màu sắc sẽ được in bằng một bản in khác nhau. Chẳng hạn, nếu mẫu áo đồng phục của bạn có 3 màu là xanh, đỏ, vàng thì khi in người ta sẽ phải làm 3 bảng ứng với 3 màu, tùy thuộc vào kết cấu của hình in mà người thợ sẽ quyết định cho màu nào lên trước, khi màu này khô mực thì mới cho in bảng màu tiếp theo.



Ưu điểm

Phương pháp in lụa thường sử dụng loại mực in cao su, có giá thành rẻ, cho hình in bóng đẹp, độ bền khá cao và có thể in được trên nhiều loại vải, giúp bạn vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ cho áo đồng phục.

Nhược điểm

In lụa bao gồm rất nhiều công đoạn nên thường các công ty in đồng phục chỉ nhận làm với số lượng lớn để bù chi phí và “bõ” công làm. Bên cạnh đó, so với các kỹ thuật in hiện đại khác thì bản in mà phương pháp này mang lại không sắc nét bằng, màu in cũng không đa dạng lắm và không in được các họa tiết có độ chuyển màu gradient.
Nhược điểm lớn nhất của phương pháp này có lẽ là do hình in nổi lên trên vải nên không thể là trực tiếp và khi giặt nếu chà quá mạnh tay, dùng nước tẩy hoặc là khi gấp để hình in chồng lên nhau thì hình in sẽ bị bong tróc hoặc dính lại với nhau. Ngoài ra, vì sử dụng mực in cao su nên khi hình in còn mới, người mặc sẽ cảm thấy mùi hơi khó chịu.

2. In chuyển nhiệt

Là phương pháp được thực hiện bằng máy in chuyển nhiệt, các họa tiết sẽ được loại máy này phun lên giấy in chuyển nhiệt, tiếp theo, người thợ sẽ ép mặt giấy có hình in lên vị trí cần hình in trên áo, đem vào máy ép nhiệt để chuyển toàn bộ màu từ giấy sang áo. Khi sử dụng phương pháp này thì tùy thuộc vào chất vải và loại giấy, chúng ta sẽ cần có thời gian chờ chuyển màu khác nhau.



Ưu điểm

Bản in được thực hiện một cách nhanh chóng, có thể lấy liền nếu chỉ in một chiếc. Bên cạnh đó, bảng màu cực kỳ phong phú để người dùng lựa chọn, có thể in các họa tiết có độ phức tạp cao mà vẫn thể hiện rất sống động. Khi dùng, có thể thoải mái giặt tay hoặc giặt máy và là trực tiếp lên hình in mà không sợ bị phai màu hay bong tróc. Ngoài ra, do hình in thấm vào từng thớ vải nên không bị dính khi mặc hoặc gấp chồng lên nhau.

Nhược điểm

Nhược điểm của phương pháp này là chỉ cho chất lượng bản in đẹp khi in trên các loại vải sáng màu như trắng, hồng nhạt, xanh da trời… Ngoài ra, giá thành của phương pháp này là khá cao và không áp dụng được cho áo đồng phục vải cotton 100%. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn để đảm bảo một mẫu đồng phục đẹp thì thay vì in lụa, bạn nên chọn in chuyển nhiệt.

3. In kỹ thuật số

Được thực hiện bởi máy KORNIT, cho phép in trực tiếp lên vải vóc hay bất kỳ chất liệu nào khác mà không cần qua giai đoạn trung gian nào.



Ưu điểm

Cho tốc độ in cực nhanh vì không phải trải qua giai đoạn làm khuôn, cho chất lượng bản in đẹp, màu sắc đa dạng, hình ảnh trung thực, độ bền cao.

Nhược điểm

Với những lợi điểm của mình cộng với chi phí đầu tư máy móc cao và chỉ sử dụng mực in chuyên dụng của hãng nên in kỹ thuật cũng có giá thành cao hơn. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, đây chính là một trong những kỹ thuật in đảm bảo tốt nhất để bạn có được mẫu áo đồng phục đẹp.

Đào Thơ